Mỗi năm, cứ đến dịp tết, năm mới, lễ hội hay Trung thu, những chiếc lồng đèn phong phú đủ mọi màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng lại được thắp lên, tạo cho phố cổ Hội An một vẻ đẹp khác thường.
“Hội An đêm rằm” là sáng kiến độc đáo của người dân nơi đây nhằm phát huy giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại. Cho đến nay, chưa ai biết chính xác đèn lồng Hội An ra đời từ bao giờ. Chỉ nghe Người dân kể lại, ông tổ làm đèn lồng tên là Xã Đường, ông là thợ mã chuyên làm đầu lân, lồng đèn cho các đêm hội, cuộc thi đấu xảo, thi làm đèn kéo quân.
Lúc bấy giờ, chỉ những gia thượng lưu mới có đèn lồng to vẽ chữ Hán hoặc tranh thủy mặc treo trong nhà. Phải qua vài thế hệ, chiếc đèn lồng mới tới được mọi nhà trong phố cổ Hội An với tính chất trang trí nhà cửa nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp rực rỡ, sang trọng, quyến rũ vốn có.
Lồng đèn được làm từ chất liệu tre và lụa là chủ yếu. Người Hội An thích dùng lụa Hà Đông để bọc đèn. Thứ lụa này làm cho ánh sáng thêm huyền ảo sống động. Lồng đèn có nghĩa là thắp sáng, vậy nên đèn lồng phải luôn được đốt sáng. Đây là sản phẩm độc đáo của riêng phố cổ, mang ý nghĩa thực tế cao, vừa có thể dùng để thắp sáng, vừa để trang trí và mặt khác, đèn lồng còn mang một số ý nghĩa phong thủy nhất định.
Mỗi hình dáng và màu sắc của đèn lồng đều mang một ý nghĩa khác nhau. Đèn tròn tượng trưng cho sự hài hòa, cân đối. Đây là mẫu đèn có nét đặc trưng riêng của đèn lồng Hội An. Theo quan niệm dân gian, chiếc đèn lồng kiểu tròn treo trong nhà là biểu tượng mang đến nhiều sự ấm áp, yên bình và may mắn cho ngôi nhà.
Ngoài ra, còn có các hình dạnh như lồng đèn củ tỏi, lồng đèn bánh ú, lồng đèn kéo quân (lục giác) với nhiều màu sắc và kích cỡ khác nhau… Ánh sáng từ những ngọn đèn nến mờ ảo làm cho đường nét kiến trúc cổ của Hội An hiện ra với vẻ đẹp thật bất ngờ. Phố đêm, ánh nến bên sông Hoài và tiếng rao đêm… là ý tưởng hình thành Đêm Hội An.
Khi màn đêm buông xuống, du khách thập phương còn được tận hưởng những sắc màu lung linh huyền ảo, trữ tình của những chiếc đèn lồng giăng kín các ngả đường vào phố cổ. Có một chút gì như là sự hoài niệm về quá khứ, rất gần mà cũng rất xa, rất thật mà cũng rất mơ hồ. Dường như không khí của một thương cảng sầm uất đang hiện về, dưới ánh đèn lồng và dưới bóng những ngôi nhà cổ đầy chất thơ.
Theo Đèn lồng Việt
thú chơi đèn lồng ở Hội An đã bắt đầu từ rất lâu, khi nơi này còn là thương cảng sẩm uất.
Đến Hội An mỗi dịp Trung Thu mới nhận thấy hương vị cổ truyền của dân tộc qua các dãy phố sáng ngập ánh đèn.