Nguồn gốc ra đời của đèn lồng Hội An

Hội An không chỉ được biết đến với phố cổ rêu phong, những con đường nhỏ nhỏ chỉ dành cho người đi bộ, mái ngói âm dương thẳng tắp, những đôi mắt cửa như chính tâm hồn của những ngôi nhà cổ, Hội An còn nổi tiếng là cái nôi của đèn lồng thuần Việt được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Xưa nay, ai cũng biết những chiếc đèn lồng Hội An được làm từ tre vót nan, tạo khung và bọc vải, dùng để trang trí và là một vật dụng thắp sáng không thể thiếu trong cuộc sống của những người dân phố cổ, nhưng chắc hẳn ít có người biết được nguồn gốc, xuất xứ của nó.

nguon goc ra doi cua den long hoi an (1)

Người Hội An kể rằng: Hội An xưa có ông tổ làm đèn lồng tên là Xã Đường, hồi đó được gọi là thợ mã chuyên làm đầu lân lồng đèn cho những đêm hội hay các cuộc thi đấu xảo, thi làm đèn kéo quân. Những ngày tết, lễ, hội hè, phú quý lắm người dân phố Hội An mới có chiếc đèn lồng to viết chữ Hán hoặc vẽ tranh thuỷ mặc treo trước nhà.

Phải qua vài thế hệ chiếc đèn lồng mới tới được mọi nhà trong phố cổ Hội An với tính chất trang trí hết sức bình dân mà vẫn giữ được vẻ đẹp rực rỡ, sang trọng quyến rũ vốn có. Cứ có hội hè là người dân lại làm đèn để treo, trước là làm để trang trí trong gia đình, sau đó để bán. Làm đèn lồng đã trở thành một nghề đặc sắc của riêng Hội An. Có những người chuyên vẽ trang trí đèn lồng to dùng ở các khách sạn hay treo ở nơi thờ tổ tiên của các gia đình Hội An.

nguon goc ra doi cua den long hoi an (2)

Nguyên liệu để làm đèn lồng dùng tre và vải lụa là chính. Tre dùng để tạo khung lồng đèn là loại tre già được ngâm kĩ với nước muối từ 10 – 15 ngày để chống mối mọt. Sau đó tre được phơi khô vót mỏng cho phù hợp với kích cỡ của các loại đèn. Vải lụa tơ tằm có độ dai khi căng trên khung đèn không bị rách. Người Hội An thích dùng lụa Hà Đông để bọc đèn. Thứ lụa này làm cho ánh sáng thêm huyền ảo sống động. Để hoàn chỉnh một chiếc đèn lồng còn phải bỏ công sức tiện gỗ quét sơn hay véc ni, kết tua đèn, uốn dây thép làm chỗ treo đèn. Ngày 1/12/1999, Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Khách du lịch đến Hội An ngày một nhiều hơn. Lồng đèn để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch phải làm nhanh, xếp lại được để du khách mang đi tiện lợi. Các lồng đèn cổ thường làm to căng bằng lụa tốt vẽ công phu mang ý nghĩa triết lý hoặc những rung động tâm hồn, cảm xúc của người vẽ nay đã được vẽ đơn giản hơn hoặc thêu bằng máy, thậm chí chỉ dùng vải lụa dệt các loại hoa chìm hoa nổi của làng Vạn Phúc (Hà Đông) rực rỡ kiêu sa đủ màu sắc thay cho nét hoa. Người dân ở đây tự hào nói rằng đi giữa phố cổ bốn mùa đều thấy có đèn lồng giăng mắc khắp nơi. Trước kia, đèn lồng loại không xếp lại được chỉ thấy có trong các nơi thờ cúng : đình, chùa, bàn thờ dòng họ, gia đình, nay lại thấy chúng có mặt trong các khách sạn, lễ hội, các cuộc thi đèn lồng. Các nghệ nhân tài hoa vẫn có dịp được phô diễn tài năng sáng tạo và đôi bàn tay vàng của họ. Phải nói rằng con mắt thẩm mỹ của người Hội An thật đáng được kính nể. Phố cổ ngày một thêm cổ và được tỏa sáng, thăng hoa nhờ nghề làm đèn lồng.

 nguon goc ra doi cua den long hoi an (3)

Rời Hội An, du khách không chỉ ấn tượng với đêm rằm 14 lung linh, huyền ảo hay những sản phẩm thủ công như túi ví, các vật trang trí mang đậm nét truyền thống của người Chăm mà đèn lồng Hội An cũng chiếm một khoảng không hề nhỏ trong tâm trí của người lữ hành bởi một vẻ đẹp hết sức mộc mạc, bình dị nhưng tỏa sáng như chính cuộc sống của những người dân nơi đây.

Theo Đèn lồng Việt

5 thoughts on “Nguồn gốc ra đời của đèn lồng Hội An

  1. Pingback: Nguồn gốc ra đời của đèn lồng Hội An | denlongviet

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *