Con đường hình thành đèn lồng truyền thống Hội An, Đèn lồng được sử dụng ở Việt Nam từ rất lâu đời, ngày xưa, đèn lồng chỉ sử dụng trong cung cấm và trong các phủ của quan lại dùng làm một vật trang trí và thắp sáng, còn ở nhà của những người dân thường chỉ là những chiếc đèn cầy hay đèn dầu lửa để tận dụng ánh sáng vào ban đêm. Đèn lồng ngày xưa trong cung vua, phủ chúa là những chiếc đèn lồng đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam, với tạo hình bằng khung tre, nứa và được bọc giấy, gần chúng ta nhất đó là thời các vua Nguyễn, đèn lồng được dùng để thắp sáng từ Hoàng thành vào trong Tử Cấm thành, chỉ đèn lồng trong cung mới đa dạng về màu sắc và chất liệu như đèn kéo quân và đèn bọc lụa để bảo quản lâu hơn, tuy nhiên những chiếc đèn đó lại mạng đậm hơi hướng đèn Trung Hoa bởi xã hội Nho giáo lúc bấy giờ.
Bàn về chiếc đèn lồng thì phải kể ngay đến Hội An, hiện nay Hội An là nơi sản xuất đèn lồng lớn nhất nước, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước những sản phẩm đèn lồng truyền thống đa dạng về mẫu mã, màu sắc, kích thước và ở Hội An, đâu đâu cũng dễ bắt gặp những chiếc đèn lồng từ các con phố được trang trí đèn lồng trải dài đến các quán ăn, nhà hàng, các công trình kiến trúc và đặc biệt ở mỗi ngôi nhà trong phố cổ đều được treo một cặp đèn lồng ngay trước cửa hay còn gọi là treo đèn lồng ở chính diện của ngôi nhà.
Người ta thường treo đèn lồng là để thay cho lời cầu ước một tương lai tốt đẹp, một cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc. Chơi đèn lồng đã từng là một nét văn hóa đặc trưng của Trung Quốc từ xa xưa, đèn lồng không thể thiếu trong các gia đình ở Trung Quốc và hàng năm, lễ hội treo đèn lồng thường được tổ chức rầm rộ vào các dịp lễ tết như tết năm mới, tết trung thu. Tuy nhiên, cùng với thời gian và sự giao lưu văn hóa của các nước, thú chơi đèn lồng lan rộng khắp thế giới. Với công nghệ tiên tiến, tư duy sáng tạo, ngày nay người ta đã làm cho đèn lồng ngày càng trở lên hiện đại và đẹp hơn, với những sáng tạo mới về chất liệu và thẩm mỹ vô cùng đặc sắc và phong phú. Tại Hội An những năm gần đây, năm nào cũng diễn ra lễ hội đèn lồng vào dịp tết cổ truyền, hàng trăm chiếc đèn lồng đủ màu sắc, ý nghĩa riêng được triển lãm dọc đường Nguyễn Phúc Chu, bên cạnh bờ sông Hoài thơ mộng cho du khách tham quan và chụp hình.
Tuy năm nào cũng có lễ hội đèn lồng nhưng ít ai biết đèn lồng có từ bao giờ để trở thành nhân vật chính trong lễ hội màu sắc ấy. Có người cho rằng đèn lồng có mặt ở Hội An là do những dòng họ Châu, La, Thái… xuất phát từ Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông bên Trung Hoa sang sinh cơ lập nghiệp ở Hội An đã mang theo những chiếc đèn lồng treo trước nhà cho đỡ nhớ quê hương xa xôi cách trở.
Người Hội An kể rằng: Hội An xưa có ông tổ làm đèn lồng tên là Xã Đường, hồi đó được gọi là thợ mã chuyên làm đầu lân lồng đèn cho những đêm hội hay các cuộc thi đấu xảo, thi làm đèn kéo quân. Những ngày tết, lễ, hội hè, phú quý lắm người dân phố Hội An mới có chiếc đèn lồng to viết chữ Hán hoặc vẽ tranh thuỷ mặc treo trước nhà.
Phải qua vài thế hệ chiếc đèn lồng mới tới được mọi nhà trong phố cổ Hội An với tính chất trang trí hết sức bình dân mà vẫn giữ được vẻ đẹp rực rỡ, sang trọng quyến rũ vốn có. Cứ có hội hè là người dân lại làm đèn để treo, trước là làm để trang trí trong gia đình, sau đó để bán. Làm đèn lồng đã trở thành một nghề đặc sắc của riêng Hội An. Có những người chuyên vẽ trang trí đèn lồng to dùng ở các khách sạn hay treo ở nơi thờ tổ tiên của các gia đình Hội An.
Nguyên liệu để làm đèn lồng dùng tre và vải lụa là chính. Tre dùng để tạo khung lồng đèn là loại tre già được ngâm kĩ với nước muối từ 10 – 15 ngày để chống mối mọt. Sau đó tre được phơi khô vót mỏng cho phù hợp với kích cỡ của các loại đèn. Vải lụa tơ tằm có độ dai khi căng trên khung đèn không bị rách. Người Hội An thích dùng lụa Hà Đông để bọc đèn. Thứ lụa này làm cho ánh sáng thêm huyền ảo sống động. Để hoàn chỉnh một chiếc đèn lồng còn phải bỏ công sức tiện gỗ quét sơn hay véc ni, kết tua đèn, uốn dây thép làm chỗ treo đèn.
Ngày 1/12/1999, Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Khách du lịch đến Hội An ngày một nhiều hơn. Lồng đèn để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch phải làm nhanh, xếp lại được để du khách mang đi tiện lợi. Các lồng đèn cổ thường làm to căng bằng lụa tốt vẽ công phu mang ý nghĩa triết lý hoặc những rung động tâm hồn, cảm xúc của người vẽ nay đã được vẽ đơn giản hơn hoặc thêu bằng máy, thậm chí chỉ dùng vải lụa dệt các loại hoa chìm hoa nổi của làng Vạn Phúc (Hà Đông) rực rỡ kiêu sa đủ màu sắc thay cho nét hoa. Người dân ở đây tự hào nói rằng đi giữa phố cổ bốn mùa đều thấy có đèn lồng giăng mắc khắp nơi. Trước kia, đèn lồng loại không xếp lại được chỉ thấy có trong các nơi thờ cúng : đình, chùa, bàn thờ dòng họ, gia đình, nay lại thấy chúng có mặt trong các khách sạn, lễ hội, các cuộc thi đèn lồng. Các nghệ nhân tài hoa vẫn có dịp được phô diễn tài năng sáng tạo và đôi bàn tay vàng của họ. Phải nói rằng con mắt thẩm mỹ của người Hội An thật đáng được kính nể. Phố cổ ngày một thêm cổ và được tỏa sáng, thăng hoa nhờ nghề làm đèn lồng.
Rời Hội An, du khách không chỉ ấn tượng với đêm rằm 14 lung linh, huyền ảo hay những sản phẩm thủ công như túi ví, các vật trang trí mang đậm nét truyền thống của người Chăm mà đèn lồng Hội An cũng chiếm một khoảng không hề nhỏ trong tâm trí của người lữ hành bởi một vẻ đẹp hết sức mộc mạc, bình dị nhưng tỏa sáng như chính cuộc sống của những người dân nơi đây.
Theo Đèn lồng Việt
Đèn lồng hội an có lịch sử lâu dài, được cải tiến theo truyền thống Việt Nam