Từ Tết năm 2009 (Tết Kỷ Sửu), lễ hội lồng đèn đón tết đã được tổ chức ở phố cổ Hội An, và hàng năm, Hội An có tết lồng đèn. Đặc biệt là vào những dịp tết, khách thăm Hội An sẽ được ngắm nhìn những con phố rực rỡ đèn lồng, sẽ được ngắm nhìn những chiếc đèn lồng độc đáo do UBND TP Hội An tổ chức thi. Khi đó, Hội An không chỉ có những chiếc đèn lồng quen thuộc được thắp sáng vào ngày 14 và rằm mỗi tháng, mà còn là một không gian đèn lồng, từ lồng đèn truyền thống như lồng đèn long, lân, quy, phụng, cây trái đến lồng đèn ông sao, kéo quân và lồng đèn biểu tượng các nhân vật lịch sử, các di tích.
Lịch sử chiếc lồng đèn Hội An đã có vài trăm năm trước, từ thuở đây là một thương cảng nổi tiếng có tên Faifo (Hải Phố). Xưa, khi Hội An là nơi các thương gia người Hoa và Nhật đến giao lưu buôn bán, lập nghiệp. Những người mang họ Châu, La, Thái tận Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông ở Trung Quốc đã mang theo chiếc lồng đèn. Họ treo những chiếc lồng đèn này trước nhà của mình.
Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn có ghi lời kể của một thương gia họ Trần người Quảng Đông khi chở hàng đến Hội An như sau: “Người Minh Hương và người Thanh (Trung Quốc) chọn Hội An làm nơi định cư đã mang theo đèn lồng từ quê hương đến và có thói quen thắp sáng đèn mỗi khi màn đêm buông xuống. Còn nhiều người già ở Hội An khẳng định chiếc đèn lồng Hội An hiện nay là nét rất riêng và độc đáo do chính người Hội An nghĩ ra. Trước kia, lồng đèn được làm chủ yếu loại lồng đèn lớn, lồng đèn kéo quân, nhưng dành cho người giàu, người bình thường khó có tiền sắm được. Sau đó, tự người dân học hỏi và bắt đầu làm lồng đèn, chủ yếu là để trang trí trong nhà”.
Theo ghi chép còn lưu lại thì khoảng năm 206 trước Công Nguyên đến năm thứ 25 sau Công nguyên là thời hưng thịnh của đạo Phật. Từ các chùa các nhà sư thắp sáng các đèn lồng vào đêm rằm. Rồi một vị vua đã đưa phong tục thắp đèn lồng này vào cung vua. Lễ hội đèn lồng từ đó lan ra ngoài dân gian. Ở Hội An, việc treo đèn lồng trước nhà vào những ngày lễ cũng dã trở thành tập tục từ rất lâu, nhưng chưa thành một khu phố như hiện nay.
Cho đến nay, chưa ai biết chính xác đèn lồng Hội An ra đời từ bao giờ? Ai là người đầu tiên làm ra đèn lồng? Nhưng dù là ai đi nữa, đèn lồng Hội An vẫn không ngừng tỏa sáng và đã lan tỏa ra thế giới Có người cho rằng đèn lồng có mặt ở Hội An là do những người Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông bên Trung Hoa sang lập nghiệp ở Hội An đã mang theo những chiếc đèn lồng treo trước nhà cho đỡ nhớ quê hương.
Người Hội An kể rằng: ông tổ làm đèn lồng tên là Xã Đường, là thợ mã chuyên làm đầu lân, lồng đèn cho những đêm hội hay các cuộc thi đấu xảo. Những ngày tết, lễ, hội hè, người phú quý ở Hội An mới có chiếc đèn lồng to viết chữ Hán hoặc vẽ tranh thủy mặc treo trước nhà. Trải qua vài thế hệ, đèn lồng mới tới được mọi nhà trong phố cổ Hội An với nét trang trí bình dị nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp rực rỡ, sang trọng vốn có. Cứ có hội hè là người dân lại làm đèn để treo trang trí trong gia đình, sau đó là làm để bán. Làm đèn lồng đã trở thành một nghề đặc sắc của riêng Hội An. Có những người chuyên vẽ trang trí đèn lồng to dùng ở các khách sạn hay treo ở nơi thờ tổ tiên của các gia đình Hội An.
Nguyên liệu chính để làm đèn lồng là tre và vải lụa. Tre dùng để tạo khung đèn là loại tre già được ngâm kĩ với nước muối để chống mối mọt. Sau đó tre được phơi khô vót mỏng cho phù hợp với kích cỡ của các loại đèn. Vải lụa tơ tằm có độ dai khi căng trên khung đèn không bị rách. Người Hội An thích dùng lụa Hà Đông để bọc đèn. Thứ lụa này làm cho ánh sáng thêm huyền ảo sống động. Để hoàn chỉnh một chiếc đèn lồng còn phải bỏ công sức tiện gỗ quét sơn hay véc ni, kết tua đèn, uốn dây thép làm chỗ treo đèn.
Hơn ba trăm năm trước, người Hội An chỉ quen dùng đĩa đèn dầu lạc. Chỉ đến khi Thương cảng Hội An với tên gọi cảng Đại Chiêm được hình thành và những thương gia người Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Italia và nhất là người Nhật đến đây buôn bán, nơi đây mới có thói quen sử dụng đèn lồng.
Nguồn : Bùi Hữu Cường – nguoiduatin.vn
Liên hệ mua đèn lồng chính gốc
Hotline 0979612534
Zalo/Viber : 0944.910.121 (Mr.Trí)
Facebook : xưởng đèn lồng Hội An